I. KHÁI NIỆM CHUNG
Hệ thống báo cháy tự động là hệ thống gồm tập hợp các thiết bị có nhiệm vụ phát hiện và báo động khi có cháy xảy ra. Việc phát ra các tín hiệu cháy có thể được thực hiện tự động bởi các đầu dò (khói, nhiệt, lửa,...) hoặc bởi con người (thông qua nút nhấn khẩn cấp). Hệ thống phải hoạt động liên tục 24/24 giờ kể cả khi mất điện. Hệ thống báo cháy có thể cung cấp các chức năng chính như sau:
- Cung cấp một phương tiện để phát hiện đám cháy đang bùng phát theo phương pháp thủ công hoặc tự động.
- Cảnh báo cho con người trong tòa nhà biết có cháy và thông tin sơ tán.
- Truyền tín hiệu thông báo cháy cho cơ quan PCCC hoặc các đơn vị ứng phó khẩn cấp khác.
- Cung cấp tín hiệu điều khiển thiết bị ngoại vi: ngắt nguồn điện, hệ thống không khí, thang máy, cửa ngăn cháy, cửa thoát nạn,... Ngoài ra hệ thống báo cháy còn có thể điều khiển thiết bị chữa cháy.
II. CÁC THÀNH PHẦN CHÍNH CỦA HỆ THỐNG BÁO CHÁY TỰ ĐỘNG
Một hệ thống báo cháy tự động tiêu biểu sẽ có 3 thành phần như sau:
- Trung tâm báo cháy: Được thiết kế dạng tủ, bao gồm các thiết bị chính: bo mạch xử lý thông tin, bộ nguồn, ác quy dự phòng.
- Thiết bị đầu vào (thiết bị giám sát):
+ Đầu báo: báo khói, báo nhiệt, khói nhiệt kết hợp, báo gas, báo lửa, đầu báo Beam...
+ Công tắc khẩn (nút nhấn khẩn).
+ Module giám sát (hệ địa chỉ)
- Thiết bị đầu ra
+ Chuông báo động, còi báo động, đèn báo động,...
+ Bảng hiển thị phụ.
+ Bộ quay số điện thoại tự động.
+ Module điều khiển.
III. NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG BÁO CHÁY
Quy trình hoạt động của hệ thống báo cháy là một quy trình khép kín. Khi có hiện tượng về sự cháy (chẳng hạn như nhiệt độ gia tăng đột ngột, có sự xuất hiện của khói hoặc các tia lửa) các thiết bị đầu vào (đầu báo, công tắc khẩn) nhận tín hiệu và truyền thông tin của sự cố về trung tâm báo cháy. Tại đây trung tâm sẽ xử lý thông tin nhận được, xác định vị trí nơi xảy ra sự cháy (thông qua các zone) và truyền thông tin đến các thiết bị đầu ra (bảng hiển thị phụ, chuông, còi, đèn), các thiết bị này sẽ phát tín hiệu âm thanh, ánh sáng để mọi người nhận biết khu vực đang xảy ra sự cháy và xử lý kịp thời.
IV. PHÂN LOẠI HỆ THỐNG BÁO CHÁY
1.Hệ báo cháy thông thường (quy ước) - Conventional Fire Alarm System:
Đặc điểm chính:
- Hệ thống báo cháy zone có 2 loại 12VDC hoặc 24VDC. Về mặt lý thuyết cả hai loại này đều có tính năng kỹ thuật và công dụng như nhau. Nhưng, so với hệ thống báo cháy 24V thì hệ thống báo cháy 12V không mang tính chuyên nghiệp, loại 12V phải dùng đầu báo 4 dây kết hợp với trung tâm của hệ thống báo trộm với bàn phím lập trình. Trong khi hệ thống 24V là một hệ thống báo cháy chuyên dụng, khả năng truyền tín hiệu đi xa hơn, thường sử dụng đầu báo 2 dây và không bắt buộc phải có bàn phím lập trình. Tuy nhiên, trung tâm báo cháy hệ 12V có giá thành thấp hơn so với trung tâm báo cháy hệ 24V.
- Giám sát báo cháy, báo lỗi theo khu vực (zone).
- Các zone bao gồm 1 hoặc nhiều thiết bị giám sát: đầu báo, cảm biến, nút nhấn,…
- Các thiết bị trên 1 zone được lắp tại nhiều vị trí khác nhau trên cùng một tầng/ khu vực rộng.
- Tủ báo cháy zone hoạt động độc lập.
- Mỗi zone cần một đường dây tín hiệu riêng nên rất tốn dây nếu hệ thống nhiều zone.
- Khi thiết bị báo cháy/ báo lỗi không thể biết chính xác thiết bị/ vị trí nào đang báo động.
- Giá thành rẻ, phù hợp lắp đặt những công trình nhỏ.
2.Hệ báo cháy địa chỉ - Addressable Fire Alarm System:
Đặc điểm chính:
- Hệ báo cháy địa chỉ - Addressable Fire Alarm System có 2 loại (về phương thức hoạt động).
+ Hệ thống báo cháy địa chỉ (Addressable Fire Alarm System)
+ Hệ thống báo cháy địa chỉ loại Analog (Analog Addressable Fire Alarm System).
- Tất cả các thiết bị (địa chỉ) đều mang một địa chỉ riêng được thiết lập bằng tay hoặc tự động.
- Khi báo cháy/ báo lỗi sẽ thể hiện chính xác thiết bị/ vị trí thiết bị.
- Khả năng kết hợp thiết bị báo cháy thường thông qua module.
- Các trung tâm có thể liên kết với nhau tạo thành một hệ thống lớn nhiều trung tâm, có thể quản lý tập trung.
- Mỗi mạch loop có thể kết nối rất nhiều thiết bị (hơn 100 địa chỉ mỗi loop), giúp tiết kiệm dây dẫn.
- Mỗi mạch loop cung cấp điện, thông tin liên lạc và giám sát tất cả các thiết bị kết nối với nó.
- Lập trình điều khiển linh hoạt (Cause and Effect).
- Có thể giám sát trực quang trên máy tính.
- Nhiều chủng loại thiết bị giúp linh hoạt trong việc sử dụng.
Với tính năng kỹ thuật cao, hệ thống báo cháy địa chỉ dùng để lắp đặt tại các công trình lớn, được chia ra làm từng điểm (địa chỉ) độc lập, riêng biệt với nhau. Từng thiết bị trong hệ thống được giám sát bởi trung tâm báo cháy giúp cho phát hiện sự cố một cách nhanh chóng, rõ ràng và chính xác. Hệ thống cho phép điều khiển các thiết bị ngoại vi và các hệ thống khác trong tòa nhà khi có cháy.
So sánh báo cháy địa chỉ và địa chỉ Analog:
a. Hệ thống báo cháy địa chỉ - Addressable Fire Alarm System:
- Mỗi thiết bị mang một địa chỉ riêng.
- Trung tâm báo cháy nhận tín hiệu báo cháy/ lỗi từ thiết bị.
- Đầu báo đóng vai trò là một thiết bị báo động (detector). Khi cảm biến nhận được tín hiệu báo động, đầu báo sẽ quyết định trạng thái báo động và gởi tín hiệu báo cháy, báo lỗi về trung tâm báo cháy.
- Trạng thái/ ngưỡng báo động được xác định bởi các đầu báo.
- Trung tâm bao cháy chỉ nhận dạng theo địa chỉ thiết bị, trạng thái thiết bị (cháy/ lỗi).
b. Hệ thống báo cháy địa chỉ loại Analog - Analog Addressable Fire Alarm System:
- Có đầy đủ tính năng của hệ thống báo cháy dạng Addressable.
- Trung tâm báo cháy có thể nhận dạng địa chỉ và dạng thiết bị trên hệ thống.
- Đầu báo đóng vai trò là một thiết bị cảm biến (sensor) gởi tín hiệu về lượng khói hoặc nhiệt độ mà đầu báo nhận được về trung tâm báo động.
- Việc quyết định trạng thái báo cháy do trung tâm quyết định do đó hệ thống Analog có thêm những tính năng:
- Thay đổi độ nhạy dễ dàng tại trung tâm.
- Bù trôi độ nhạy, cảnh báo bảo trì.
- Tự điều chỉnh độ nhạy theo ngày/ đêm.
- Kiểm tra hiệu chỉnh độ nhạy.
Cơ bản về hệ thống báo cháy
Ai đang trực tuyến?
Đang xem chuyên mục này: 1 và 0 khách